Cơ chế điện mặt trời tự dùng "quên" khu công nghiệp
Các nhà đầu tư băn khoăn khi dự thảo cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản, tự tiêu chỉ áp dụng cho hộ dân, cơ quan công sở mà "quên" nhà xưởng, khu công nghiệp.
Xem nhanh
Các nhà đầu tư băn khoăn khi dự thảo cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản, tự tiêu chỉ áp dụng cho hộ dân, cơ quan công sở mà "quên" nhà xưởng, khu công nghiệp.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dành cho hộ dân và cơ quan công sở. Cơ chế này không áp dụng cho nhà xưởng, khu công nghiệp, bệnh viện hoặc đầu tư để bán cho tổ chức, cá nhân khác. Nhưng thực tế không ít doanh nghiệp trong nước mong muốn lắp đặt loại năng lượng này để đạt chứng chỉ xanh của nước xuất khẩu - một trong những lợi thế cạnh tranh khi xuất hàng, nhất là sang EU.
Sản xuất, xuất khẩu quế, hồi, CEO Công ty Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền, cho biết doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà xưởng nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải khi xuất hàng sang EU. Nhưng điều bà băn khoăn là chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng lại "loại" nhà xưởng, khu công nghiệp.
Ông Vũ Quang Thắng, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nên được khuyến khích như nhau giữa các đối tượng. Theo ông có hai lý do doanh nghiệp muốn đầu tư loại năng lượng này. Trước tiên, doanh nghiệp muốn chủ động trong cung cấp điện, nhất là sau đợt bị cắt giảm luân phiên vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch sản xuất. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cần sản xuất với nguồn năng lượng xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn về đơn hàng xuất khẩu đi EU.
"Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hưng Yên đang rất cần cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Họ cam kết không đấu nối và sẵn sàng bỏ cả tỷ đồng đầu tư. Trường hợp không làm thì họ sẽ thiệt đơn, thiệt kép", ông Thắng chia sẻ.
Công nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP HCM, tháng 10/2020. Ảnh: Hoàng Minh
PGS.TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nói "khó hiểu khi ở thời điểm này Bộ Công Thương không đưa ra cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại nhà xưởng, khu công nghiệp, bệnh viện...". Bởi, trường hợp được mở rộng đối tượng lắp đặt điện mặt trời tự sản tự tiêu, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể được dùng điện với giá tốt hơn và cũng giảm áp lực nhu cầu cho hệ thống điện. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Hà Nội và một số địa phương phải cắt điện luân phiên để giảm phụ tải vào đợt cao điểm nắng nóng như vừa qua.
Từng lắp đặt điện mặt trời áp mái và được hưởng giá FIT, đại diện một doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM góp ý, hai tham số bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần nắm trước khi quyết định, là chi phí đầu tư và số tiền doanh nghiệp tiết kiệm được bao nhiêu. Ngoài ra, một vấn đề phát sinh được nhà đầu tư nêu, trước đây khi doanh nghiệp mua điện, khoản tiền này là chi phí nên họ được giảm tương đương 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp, doanh nghiệp dùng điện tự sản xuất sẽ không còn được khấu trừ, và phải đóng thuế phần lợi nhuận này.
"Nếu giảm thuế, phí hoặc được vay ưu đãi từ việc dùng điện tự sản xuất sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chính sách đưa ra cần rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp", ông nói.
Ở khía cạnh này, bà Huyền đồng tình, doanh nghiệp sẽ đầu tư nếu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và được giảm thêm các thuế, phí.
Theo lý giải của đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), chưa đưa ra cơ chế với khu công nghiệp, bệnh viện, trường học làdo cần thời gian để tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác.
"Điều này cần được xem xét trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối, đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn", đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nêu.
Cơ quan quản lý cho rằng mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày.
Mặt khác, các nguồn điện mặt trời, điện gió quy mô được đầu tư bài bản thành hệ thống hiện vẫn gặp khó trong huy động do sản lượng không lớn, và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, độ ổn định, an toàn của hệ thống truyền tải, chất lượng điện.
Do đó, trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt, ngành điện sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà.
Nhưng cơ chế cho hộ dân, doanh nghiệp, cơ quan lắp đặt tại trụ sở làm việc cũng thiếu hấp dẫn, theo các chuyên gia. PGS. TS Trần Văn Bình nhận xét, là doanh nghiệp hay người dân, trường hợp không nối lưới, không cho bán điện thừa lên lưới "thì chả ai làm".
Theo ông, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước cần trợ giá theo công suất lắp đặt và hỗ trợ một lần để giảm chi phí đầu tư. Mức trợ giá này cần phân biệt theo vùng khí hậu và tính hiệu quả của mỗi vùng. Chẳng hạn, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ sẽ có chi phí lắp đặt rẻ hơn so với Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ sẽ có chi phí lắp đặt cao nhất. Miền Bắc với cường độ và số giờ nắng thấp hơn cần được mức hỗ trợ cao hơn các vùng khác.
Tại dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương đưa ra giải pháp phân bổ phát triển điện mặt trời cho các địa phương trên cơ sở cường độ bức xạ, số giờ nắng trung bình trong năm và phụ tải hiện có. Việc kiểm soát phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được giao các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.
Quy hoạch điện VIII đề cập cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với điện mặt trời là 12.836 MW (chiếm 8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.
Với quy mô này, theo Bộ Công Thương, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Bởi, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn điện mặt trời mái nhà. Đó là chưa kể đến nguồn điện mặt trời mái nhà của các cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản tự tiêu tại TP HCM phát triển theo cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố.