Phát triển điện mặt trời mái nhà: Đem lại nhiều lợi ích cho người dân và hưởng lợi nhiều ưu đãi của Nhà nước

Thời gian qua điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam, nhiều chế độ ưu đãi, miễn trừ một số giấy phép; miễn giảm các loại thuế, phí… Chính vì thế người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Tuy nhiên chính vì phát triển ồ ạt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ…
Xem nhanh

 

Người dân và doanh nghiệp đua nhau lắp điện mắt trời mái nhà

Cách đây khoảng 10 năm, điện mặt trời hầu như còn xa lạ với người dân thì vài năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng “nóng” của điện năng lượng mặt trời, số người dân quan tâm và đầu tư điện mặt trời tăng lên đáng kể.

Hệ thống điện mặt trời “đua nhau” mọc lên trên mái nhà của các hộ gia đình, từ khu vực miền Nam đến khu vực miền Bắc. Các hệ thống công suất nhỏ chỉ 3-5kWp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đến các hệ thống lơn hơn để vừa dùng vừa bán điện dư.

Anh Lê Quang Minh (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ: “Đầu năm 2019 tôi thấy có người trong huyện lắp đặt điện mặt trời rất hiệu quả, nên tôi cũng lắp hệ thống 3kWp. Lúc đó tôi nghĩ mình lắp như vậy là nhiều rồi, chủ yếu để đỡ tiền điện mỗi tháng thôi, dù gì mái nhà cũng bỏ không, đâu xài. Nhưng sử dụng rồi mới thấy nhiều lợi ích của điện mặt trời nên tôi quyết định lắp thêm gần hết mái, giờ công suất hệ thống là 10kWp. Nhà mát hơn, điện vừa dùng vừa bán, cũng là ủng hộ chính sách của Nhà nước”.

Bài 1 Phát triển điện mặt trời mái nhà Đem lại nhiều lợi ích cho người dân và được nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước
Nhiều người dân nhận thấy lợi ích của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. 

Không chỉ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, nhiều người dân còn tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận để phục vụ hoạt động sản xuất. Các mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời cho hoạt động sản xuất khá đa dạng như: hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái cung cấp điện cho các trang trại chăn nuôi gà, vịt…; điện mặt trời để chạy máy sục oxy, máy quạt nước bề mặt cho các ao nuôi tôm; máy bơm nước năng lượng mặt trời phục vụ công tác tưới tiêu cho các nông trại trồng trọt…

Chia sẻ về việc này ông Hoàng Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, gia đình tôi có trang trại nuôi gà khá lớn. Chính vì thế việc tiêu thụ điện hàng tháng không phải là nhỏ, đặc biệt là đợt nắng nóng này hay có lịch cắt điện luân phiên nếu không xử lý nhanh cả đàn gà sẽ chết. Mới đây tôi được một người bạn giới thiệu nên đã lắp đặt hệ thống điện mái nhà với công suất 10kWp. Tôi thấy rất tốt, tiết kiệm được nhiều, chủ động được nguồn điện cho trang trại.

Có thể thấy hệ thống điện mặt trời phát triển đã hạn chế lấy điện từ lưới điện quốc gia, giúp bà con tiết giảm chi phí điện, tăng thêm lợi nhuận. Ngoài ra, bà con còn có thêm một nguồn thu từ bán điện dư. Hiện nay, các mô hình lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất đang ngày càng được nhân rộng, không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân mà còn góp phần giảm áp lực điện cho địa phương.

Hưởng nhiều chế độ ưu đãi, không cần giấy phép

Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.

Đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,...

Những năm gần đây, điện mặt trời mái nhà đã trở thành một xu hướng được nhiều doanh nghiệp và nhà dân lựa chọn nhằm tận dụng nguồn năng lượng mặt trời cho nhu cầu sử dụng.

Cùng với đó, để giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển loại hình này. Cụ thể, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Quyết định này, điện mặt trời mái nhà sẽ được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc tổ chức, các nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bài 1 Phát triển điện mặt trời mái nhà Đem lại nhiều lợi ích cho người dân và được nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước
Để giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển loại hình này

Giá điện sẽ được quy định theo từng trường hợp, từng địa phương và thời gian nhất định. Từ sau năm 2020, các dự án điện mặt trời nối lưới sẽ áp dụng cơ chế lựa chọn cạnh tranh nhằm phát triển điện mặt trời với chi phí cạnh tranh, bám sát xu hướng phát triển của thị trường công nghệ và giá thiết bị trên thế giới.

Mới đây nhất, cuối tháng 6/2023, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo dự thảo này, quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo đó, tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII). Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.

Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của Quyết định này thì được áp dụng quy định này.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Sau khi dự thảo được ban hành, đã nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ của các chuyên gia cũng như người dân. Theo giới chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối…

Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.

Nguồn: thuongtruong.com.vn